Nguồn Gốc Của Làng & Cái Tên “Hành Thiện”

Làng Hành Thiện nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là một ngôi làng cổ lâu đời và được mệnh danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều nhân tài của đất nước xuất thân từ vùng quê này. Làng vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng năm 1500 và đến năm 1823 làng được vua Minh Mạng cho đổi tên thành “Hành Thiện” với ý nghĩa đây là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện.
Nguồn gốc của làng Hành Thiện ngày nay xuất phát từ ấp Hộ Xá, làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh. Làng Giao Thủy có tên Nôm là làng Keo, là một làng cổ có từ trước thế kỷ thứ X, thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định ngày nay. Sau nhiều lần phải di dời vì thiên tai, sạt lở thì dân làng đã đến nơi đây và thành lập hai làng Hành Thiện (ở bờ Nam) và Dũng Nhuệ (ở bờ Bắc) ngày nay, chếch nhau qua con sông Hồng.
 

Độc Đáo Hình Dạng Lãnh Thổ & Cảnh Quan Của Làng Hành Thiện

Điều đáng tự hào đối với người dân nơi đây là làng có hình một con cá chép đang vẫy, vùng trong nước, đầu cá quay ra biển đông, đuôi quẫy về phía sông Hồng. Tại khu vực được coi là đầu cá có giếng ngọc được gọi là mắt cá. Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng).
 

Có hai giả thiết về việc hình thành nên con sông này. Đó là chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến đây là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay hoặc chính những cư dân đầu tiên đã “quy hoạch” ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.

Khi nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền, một ranh giới tự nhiên ngăn cách ngôi làng với những vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng “lý ngư”, những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tất cả tạo hành hình cá chép nổi bật giữa vùng quê yên bình của nông thôn Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, cá chép gặp nước hóa rồng, chính vì thế mà nơi đây trở thành mảnh đất địa linh nhân kiệt với những người con ưu tú, thành đạt nhất vùng.

Phần đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá là nơi sinh sống của dân làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá là nơi họp chợ của cả làng (chợ Hành Thiện là chợ nổi tiếng trong vùng). Phần đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
 

Truyền Thống Hiếu Học & Những Người Con Nhân Tài Của Đất Nước

Ai cũng biết Nam Định là mảnh đất hiếu học với kết quả kì thi quốc gia luôn nằm trong top đầu của cả nước. Vậy bạn có biết ở nơi đây có những ngôi làng hiếu học đến mức nào chưa?
 

Những câu văn thơ về mảnh đất hiếu học

Người xưa có câu: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, ngụ ý phía Đông có làng Cổ Am (nay thuộc Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Hoặc câu “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để chỉ làng Thủy Nhai cách Hành Thiện không xa, là làng nổi tiếng với đặc sản đậu phụ, còn Hành Thiện là nơi có nhiều người đỗ đạt cao.
 

Tại làng Hành Thiện còn có câu “Trai học hành, gái canh cửi” để nói rằng cái đáng quý nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của những cô gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Một câu thơ nổi tiếng của Sóng Hồng ( bút danh của cố tổng bí thư Trường Chinh) cũng đã diễn tả điều này:

“Trăng xuống làm gương em chải tóc
Làm đèn anh học suốt đêm dài.”
 

Những nhân tài nổi bật của Hành Thiện

Có thể nói truyền thống học hành của mảnh đất này đã ăn sâu vào máu của những người con nơi đây từ xưa tới nay, làm nên nét đẹp của quê hương, vang danh khắp mọi nơi. Dù đây là nơi không có nhiều ruộng, thu nhập không nhiều từ nghề nông, song cả làng luôn trân trọng và tạo điều kiện cho người có học để phát triển thành tài.

Trong hơn 10 thế kỉ của giáo dục Nho học, làng đã có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên, làng có 17 họ thì 11 họ có người thi đỗ. Thời nhà Nguyễn làng đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Ở nơi đây có nhiều trường hợp nổi bật như nhiều gia đình có cả cha và con đỗ đạt, nhiều học trò đỗ đạt từ khi còn nhỏ như Đặng Huyết đỗ tú tài năm 11 tuổi, Đặng Xuân Bảng đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi,… nhiều hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết chí học hành.

Từ 1945 đến nay Hành Thiện đã có khoảng gần 500 người tốt nghiệp đại học. Trong đó có tới trăm người có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, nhiều người được phong Giáo sư, Phó giáo sư… Những năm gần đây, mỗi năm trong làng đều có trên 30 sinh viên mới của các trường đại học.
 

Những nhân vật tiêu biểu của làng có thể kể đến là Tổng Bí thư Trường Chinh – cháu nội Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, nhà văn hoá Đặng Xuân Thiều, GS – Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, cố Bộ trưởng Bộ Y tế – GS TS Đặng Hồi Xuân, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Gia Triệu và nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá khác trên nhiều lĩnh vực.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều ngôi làng tỉ phú, giàu lên vì làng nghề, vì xuất khẩu lao động, buôn bán,….nhưng giàu có về việc học thì không phải nơi đâu cũng có được. Ngoài thành đạt về mặt học hành, những con người nơi đây đều là những con người yêu nước thương dân, giúp ích và quảng bá vẻ đẹp của quê hương.
 

Những Địa Điểm Nổi Tiếng Của Mảnh Đất Hành Thiện

Nếu bạn muốn ghé thăm mảnh đất cá chép này thì dưới đây sẽ là một vài điểm tham quan lí tưởng dành cho bạn.

Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh

Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh trên địa bàn huyện Xuân Trường gồm: Nhà lưu niệm ở xóm 7, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, Nhà tưởng niệm và Công viên, Tượng đài Trường Chinh tại Trung tâm Thị trấn Xuân Trường. Trong đó nhà lưu niệm ở làng Hành Thiện quê ông mang nhiều ý nghĩa hơn cả.
 

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Nhà lưu niệm trước đây được xây dựng bởi người ông nội Đặng Xuân Bảng, là nơi sinh ra và lớn lên của đồng chí. Ngôi nhà lưu niệm là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh. Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo, tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.

Hiện nay một số hạng mục của quần thể đã được UBND huyện đưa vào dự án cải tạo, nâng cấp để duy trì tình trạng của các di tích cũng như thể hiện lòng biết ơn những đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Tên của đồng chí cũng đã được dùng để đặt cho nhiều con đường, tuyến phố của tỉnh Nam Định cũng như nhiều thành phố lớn ở Việt Nam.
 

Chùa Keo Hành Thiện

Người dân mọi nơi cũng biết đến làng Hành Thiện là nơi có ngôi chùa Keo nổi tiếng. Chùa Keo ở Hành Thiện là chùa Keo hạ, phân biệt với chùa Keo thượng của làng Dũng Nhuệ (thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình). Cả hai ngôi chùa Keo đều có tên chữ là Thần Quang tự, cùng niên đại xây dựng, cùng là nơi thờ phụng Lý triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với nét kiến trúc độc đáo hơn 400 năm tuổi. Tương truyền, nguyên thủy chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, nước trong xanh. Không gian chùa là cả một khối kiến trúc cổ đồ sộ, trầm mặc với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau, là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội năm gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7,5m với dáng thanh thoát, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị. Đó là những án thư, tượng pháp, sập thờ, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.

Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là Hội xuân vào dịp tết Nguyên Đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13,14,15 để kỷ niệm ngày sinh của thánh tổ Không Lộ.Lễ hội gồm: Lễ dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng cùng với các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác,….

Tháng 4-2017, chùa Keo đã được đón nhận bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt, góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ cũng như các giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với khu lưu niệm cố tổng bí thư Trường Chinh, chùa Keo là một trong những địa điểm đặc biệt mà bạn không thể bỏ qua khi tới đây.

Có thể nói Hành Thiện là mảnh đất truyền thống giàu bản sắc văn hóa, là quê hương của những con người hiếu học, người có công với đất nước. Không chỉ thế, dù ở đâu thì người Hành Thiện vẫn mang theo hồn cốt của quê hương , giữ nếp nhà, sống mực thước, trọng tri thức, ham học hỏi.

Truyền thống văn hiến của đất học Hành Thiện sẽ tiếp tục nối dài, kết thành truyền thống ham học của cả mảnh đất thành Nam nói chung, làm rạng danh cho vùng quê này. Và nếu bạn cảm thấy ấn tượng với nơi đây thì còn chần chừ gì nữa, hãy cùng xách balo lên và về Nam Định ngay thôi, Ecohost và những chuyến du khảo sinh thái đồng quê đang chờ đợi bạn đến khám phá và trải nghiệm.