Nơi đây là đất thang mộc, quê hương, của nhà Trần, nguyên gốc tại làng Tức Mạc. Các vua Trần, khi nhường ngôi cho con thường về ở đây, nên mới đặt tên cho vùng này là Thiên Thanh, rồi Thiên Trường; dưói đời nhà Lý Thiên trường gọi là Thanh Hải, và dưới đời nhà Nguyễn tên này bị đổi là Xuân Trường. Không rõ ông Pháp Huy đi thẳng từ Mộ Trạch đến hay từ một nơi tạm cư khác; như trường hợp tổ họ Vũ ở Vĩnh Chụ, Hà Nam, trước khi định cư ở Vĩnh Chụ, đã từng sinh sống ở làng Tây Lạc, tổng Sa Lung, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Ông di cư trong trường hợp nào ? Con cháu ông cũng không rõ. Thuyết mà chúng tôi được nghe kể lại nhiều nhất là gia đình ông bị tội tru di tam tộc, nên ông phải trốn tránh và tá túc khắp nơi; sau cùng ông dừng chân nơi một ngôi chùa ở phủ Thiên Trường, thôn Dũng Tý thuộc làng Giao Thủy — vào đầu triều Nguyễn được đổi là Hành Cung, đến năm 1823 được được đổi là Hành Thiện — và được một người làng này, tên là Đặng Phúc Long, giúp đỡ. Vì chịu ơn họ Đặng ông cho một người con, tên là Thiện Thể, làm rể họ Đặng, và người con này đổi họ thành Đặng-Vũ, bắt nguồn cho một dòng dõi riêng biệt.

Gia phả họ Đặng-Vũ ghi ông Đặng-Vũ Thiện Thể sinh năm 1734, không biết ở đâu, và mất năm 1765. Tính rằng khi lấy vợ, ông Thiện Thể phải khoảng 20 tuổi, thì ông Vũ Pháp Huy muộn nhất cũng xuất hiện tới vùng Hành Thiện vào năm 1754, và lúc đó ông đã đứng tuổi rồi. Nếu gia đình ông qủa mắc phải tội tru di tam tộc sau một hành động đối nghịch triều đình của ông hay người nhà ông, thì chuyện đó phải xảy ra trước năm 1754.

Xét trong sử sách thì vào giữa thế kỷ XVIII, sau vụ Trịnh Giang bạo ngược (1735), phế rồi giết vua Lê Duy Phường (1720-1732), giặc giã hay nghĩa binh, mượn tiếng phò Lê, nổi dậy khắp Việt Nam. Vào khoảng 1740, ngoài việc đối phó với phe Lê Duy Mật ở Thái Nguyên, với Nguyễn Danh Phưong ở Sơn Tây, rồi Thanh Hóa, và phe con cháu nhà Mạc ở Cao Bằng, triều đình còn phải đối phó với hai đảng lớn đều do họ Vũ khởi xướng, tức là nhóm giặc Ngân Già ở Sơn Nam và giặc Ninh Xá ở Hải Dương.

Khi nhóm giặc Ninh Xá bị dẹp năm 1741, dư đảng tiếp tục mộ quân chống triều đình; họ chia nhau chiếm cứ các vùng: Nguyễn Diên, cháu Nguyễn Tuyển ở Nghệ An; Hoàng Văn Chất ở Sơn Nam, vùng Khoái Châu; và mạnh hơn hết là Nguyễn Hữu Cầu, con rể Nguyễn Cừ, cũng gọi là giặc Cỏ, ở Kinh Bắc-Hải Dương.

Theo Luật nhà Lê và theo tuổi Vũ Pháp Huy — vì có con sinh năm 1734, nên năm đó ông phải khoảng 20 tuổi — nếu ông có án tru di tam tộc thì hoặc chính ông, hoặc cha, anh em trai, bác, chú, của ông đã phạm tội mưu phản hay mưu đại nghịch, tức tự mình hay cùng đồ đảng chống lại nhà vua hay nhà chúa.

Trước năm 1754, những người họ Vũ chống họ Trịnh được sử sách nhắc tới là Vũ Thước, Vũ Đình Dung và Vũ Trác Oánh đã kể trên. Nếu ông là thân nhân của Vũ Trác Oánh, thì Pháp Huy không phải là tên thật của ông; bởi vì chúng tôi có tham khảo các tài liệu về Vũ Trác Oánh, nhưng không thấy thân nhân nào của ông có tên là Pháp Huy cả.

Ngoài ra, lại có thuyết cho rằng Vũ Trác Oánh trốn được vào Nam và lập nghiệp trong đó, Về phần Vũ Đình Dung, con cháu ông vẫn còn sống ở vùng Hành Thiện, và dân Đặng-Vũ có ít xác xuất Vũ Pháp Huy cùng tộc với họ. Còn lại Vũ Thước, nhưng chúng tôi chưa dủ dữ kiện để có ý kiến.

Có thể Vũ Pháp Huy chỉ lánh pháp đình, không nhất thiết vì án tru di, vì ông phạm tội mưu bạn tức chỉ là người tham gia, nhưng không phải là chủ não cuộc phản loạn. Dù sao chăng nữa, trong trường hợp ông có dính lứu tới một cuộc nổi loạn, ông phải trốn chạy tới vùng Hành Thiện sau năm 1735 , năm các cuộc ” khởi nghĩa” bát đầu, cùng với con, và có thể cả vợ, vì con ông sinh năm 1734.

Nhưng cũng biết đâu thuyết ông Vũ Pháp Huy mắc nạn, đến cư ngụ tại phủ Thiên Trường chỉ là một huyền thoại! Như chúng tôi đã nêu ở trên, nhiều người họ Vũ bỏ Mộ Trạch đi nơi khác đi nơi khác làm ăn vì một lý do rất đơn giản là sự mưu tìm kinh kế. Cứ tính rằng rằng sau chín đời, một người họ Vũ có thể sinh sôi nẩy nở tới 880 người như Gourou kể về họ Vũ ở Vinh Chụ. Vậy trải qua các thế kỷ, đinh số của họ Vũ tại Mộ Trạch sẽ cao quá độ nếu một thành phần không di tản — thường là theo trào lưu Nam tiến.

Những người ra đi thường là những người nghèo, mà quan viên họ Vũ, bởi trọng đức thanh liêm, phần nhiều sống tron cảnh thanh bần.

Bị thúc bách bởi nhu cầu vật chất, người di cư hay tìm đến những khu đất mới; vì tại những nơi này họ gặp ít cạnh tranh phiền toái, và tương lai gia đình có nhiều triển vọng hơn. Vào thế kỷ XVII, vùng hạ lưu sông Hồng là một vùng đất bồi hãy còn bùn lầy, nên tương đối chưa có nhiều dân cư. Những làng được lập lúc đó đều là những làng mới. Chính làng Hành Thiện bây giờ lúc đó chỉ là một ấp thuộc xã Giao Thủy(1), không có địa giới nhất định trước thế kỷ XVII, vì ấp dựng trên đất bồi nơi sông ngòi hợp lưu; những nơi đó lòng sông hay di dịch, lâu đời đất bồi mới được cố định.

Địa thế của làng Hành Thiện tương lai này, lạ lùng thay, cũng tựa như huyện Đường An, nghĩa là giáp sông bốn mặt; theo phong thủy đó là một địa thế đẹp. Đặc biệt hơn, đất lại có hình con cá hay ngòi bút lông chấm vào bảng; cũng theo phong thủy nó biểu tượng cho sự phồn thịnh về khoa danh.

Nhưng vào thế kỷ XVII, thanh danh của dân Giao Thủy chẳng ai biét đến; ngược lại, lời chê, tiếng xấu nhiều hơn. Vì phải phá rừng, mở đất cưc nhọc; dân vùng đất mới này thường là những người cứng cỏi, nhưng không phải vì vậy mà ai cũng theo gương Vũ Đình Dung: “Mỗi khi có việc gì thì ùa nhau làm náo loạn,” rồi “lấy những chỗ bùn lầy làm nơi hiểm trở…” như Phan Huy Chú phê phán trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Hà nội, Sử học, tập 1, Địa Dư Chí, trang. 81).

Đối với dân ở những vùng ven biển, thành kiến xấu tồn tại đến tận cuối thế kỷ XIX. Sử gia nhà Nguyễn (2) chê họ có “tập tục quê mùa, giọng nói ngọng nghịu, người ta gọi là tiếng đường bể…, ham lợi mà ít làm điều nghĩa, lại có nhiều người làm tà thuật, đồng bóng; người sinh rasáu, bảy tuổi đi học, đến khi lớn lại bỏ để đi cạnh tranh kiếm lời; cho nên ít có kẻ sĩ danh tiếng và thành đạt; ấy là do phong thổ trở nên vậy”.

Dĩ nhiên vì phần đông những người khai khẩn đất hoang là dân tạp xứ, thuộc lớp cùng đinh. Những lời chỉ trích khắt khe trên không sai hẳn, nhưng nếu có đúng thì cũng chỉ đúng một phần thôi. Trái với nhận xét của tác giả triều Nguyễn, lớp sĩ phu sống ở Thiên Trường không đến nỗi ít oỉ; cả bốn huyện đều có người khoa mục ngay từ đời Lê. Riêng Giao Thủy là huyện có văn học nhất trong phủ, dưới triều Lê, đã đếm được 12 tiến sĩ, một con số khá cao đối với một vùng đất mới; Kể từ triều Nguyễn số người đăng khoa lại càng gia tăng.

Năm 1765, khi Đặng Vũ Thiện Thể nhập tịch làng giao Thủy, định cư tại trang Hành Cung — được Minh Mạng tăng lên làm xã, rồ đổi tên là Hành Thiện vào năm 1823 — thì làng này đã có ba họ đứng đầu về dân số cũng như sĩ số, là họ Nguyễn, họ Phạm, và họ Đặng. Chính nhờ nhân danh người họ Đặng, vì là rể lập tự cho ông Đặng Phúc Long, mà ông thiện Thể được ghi vào sổ hộ tịch của làng.

Không rõ tổ tiên họ Đặng làng Hành Thiện đến định cư nơi đây từ bao giờ, và có liên hệ gì hay không với những người họ Đặng đã đánh dấu lịch sử Việt Nam, như họ Đặng ở Lương Xá, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, đời đời vinh hiển khi ông Đặng Huấn lập công với nhà Lê Trung Hưng, lại có con gái lấy Trịnh Tùng và sinh ra Trịnh Tráng.

Chỉ biết rằng, nhân viết về Đặng Đình Tướng, cháu năm đời Đặng Huấn, Tham Tụng thới Trịnh Cương, Trần Tiến có ghi: ” Họ Đặng phát phúc rất thịnh, ở tản mát khắp nơi, được phát đất rất nhiều. Không những được vài ngôi mà thôi, đất còn phát đến cả con gái; nên có bốn người lấy chúa” ( Đăng Khoa Lục Sưu Giảng, đã dẫn, tr. 610.)

Tình thân giữa họ Đặng và họ Vũ đưa đến sự thành lập họ Đặng-Vũ không hiểu do một sự gặp mặt tình cờ giữa hai ông Vũ Huy Pháp và Đặng Phúc Long hay là do sự kết thúc của một mối lien hệ mật thiết sẵn có giữa hai họ. Xem qua sử sách thì thấy kể: từ năm 1448, với Vũ Đức Lâm và Đặng Tuyên thi đậu tiến sĩ cùng khoa, qũy đạo của quan viên họ Vũ làng Mộ Trạch luôn luôn đụng phải người họ Đặng. Họ Đặng và họ Vũ là đồng liêu, đi sứ cùng nhau, nhậm chức cùng nơi. Từ sự đồng liêu đến chỗ thâm giao không xa mấy; như Vũ Duy Chí và Đặng Công Chất rất thân nhau.

Hai gia đình ông Vũ Huy Pháp và Đặng Phúc Long có biết nhau trước hay không chăng nữa, sự thể vẫn là họ đã thông gia với nhau: Vũ Thiện Thể đã lấy Đặng Thị Từ Giảng. Gia phả cho biết ông Vũ Pháp Huy có hai con con trai, người thứ hai tên là Vũ Thiện Vàng không biết về sau ra sao, nhưng chắc chắn là con cả; vì lệ xưa trọng việc tế tự, chỉ cho phép con thứ làm con nuôi người ngoại tộc

Ông Thiện Thể thường được chép là làm con nuôi ông Đặng Phúc Long trước khi lấy bà Từ Giảng. Chép như vậy là sai và không am hiểu luật lệ ngày xưa. Một khi đã được nhận làm con nuôi ai, kẻ dưỡng tử được coi như người ruột thịt trong nhà; con gái của cha mẹ nuôi trở thành chị em gái của đương sự; vì thế không có sư hợp giao giữa cô con gái và người dưỡng tử được. Theo Luât Hồng Đức, Thiên Chính Thư, ngay sự chung sống– chắc cùng phòng — giữa dưỡng tử và chị em nưôi cũng bị khép vào tôi thông dâm (Deloustal, đã dẫn, tr. 318).

Thành thử ông Thiện Thể phải thành hôn với bà Từ Giảng, rồi mới gia nhập họ Đặng. Theo truyền thuyết , sự đổi họ sở dĩ có là vì ông Đặng Phúc Long không có con trai, muốn cho người rể hưởng thừa tự.

Trong một xã hội dựa trên nho giáo, lấy việc thờ cúng gia tiên làm căn bản, sự nuôi con nuôi được khuyến khích vì làm giảm bớt số trẻ mồ côi bơ vơ, nhưng sự nuôi con nuôi làm kẻ thừa tự rất phức tạp. Theo Luật Hồng Đức cũng như Luật Gia Long, người con lập tự bắt buột phải được chọn trong hàng con thứ của anh em trai. Nhưng lệ này thật ra chỉ được áp dụng tuyệt đối dưới triều Nguyễn với điều 76, Luật Gia Long :” Kẻ nào muốn nuôi trẻ khác họ về lập tự, cũng như kẻ nào cho con làm con nuôi thừa tự người khác họ, sẽ bị phạt 60 trượng, và đứa trẻ được hoàn về tộc cũ.” (xem Philastre, đã dẫn, tr. 367).

Dưới triều Lê, nhà lập pháp nể lệ làng hơn: Phong tục cho kẻ khác họ nối dõi cùng tập quán coi con gái ngang hàng với con trai trong việc thừa kế rất thịnh hành trong dân gian. Luật Hồng Đức cho phép con gái có quyền coi giữ hương hỏa nếu cha mẹ không có con trai (xem Deloustal, La Justice dans L’ancien Annam, tr. 303-305; Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tập 3, Quốc Dụng Chí, tr. 130-131).

Lẽ dĩ nhiên, lệ cho con gái thừa tự làm các nho gia chính thống công phẫn. Trong Vũ Trung Tùy Bút (đã dẫn, tr. 69), Phạm Đình Hổ (1768-1839) cực lực phản đối tập tục đó, rằng ” hợp tề nội ngoại như thế thì loạn mất luân thường”. Chắc vì hai ông Vũ Pháp Huy và Đặng Phúc Long đều là nhà nho, nên thấy cần hợp thức hóa sự bà Từ Giảng thừa tự bằng cách để ông Thiện Thể nhập Đặng tộc, nhưng lấy chữ Vũ làm tên đệm; bởi đó lập thành một họ kép (3) truyền cho con cháu, cốt để con cháu khỏi quên gốc tích. Nguồn gốc đó được nhắc nhở trong câu đối treo trong từ đường họ Đặng Vũ:

Nguyên Vũ thị, bách niên tiền, đông thổ Đường An cổ quận;

Cải Đặng tính, tam thế hậu, nam châu Hành Thiện chi từ.

Có nghĩa là:

Gốc họ Vũ, trăm năm trước, quê tại miền đông đất Đường An;

Đổi họ Đặng, ba đời sau, từ đường tại Hành Thiện mạn nam.

Ông Đặng-Vũ Thiện Thể sinh được 6 người con trai làm tổ cho sáu chi họ Đặng-Vũ ngày nay:

1. Đặng-Vũ Ngọc Liễn, tổ chi 1.

2. Đặng-Vũ Phước Đa, tổ chi 2, tuyệt tự sau bốn đời.

3. Đặng-Vũ Trọng Am, tổ chi 3.

4. Đặng-Vũ Xuân Tình, tổ chi 4.

5. Đặng-Vũ Viết Xính, tổ chi 5.

6. Đặng-Vũ Viết Hiền, tổ chi 6, không ro ra sao vì con cháu thiên cư đi nơi khác.

Sau khi gia cư được ổn định, con cháu ông Thiện Thể theo gót tổ tiên bước vào nghiệp sách vở, khoa trường. Ngay từ đời thứ 3, họ Đặng-Vũ đã bắt đầ có người đỗ đạt. Thời nho học, các cụ chỉ đậu cử nhân, không có tiến sĩ. Theo gia truyền, đó không phải vì các cụ kém người, mà chỉ vì hoàn cảnh nghèo túng của gia đình không cho phép các cụ đến tận kinh kỳ thi hội.

Trong cuộc thi đua với các họ khác, đặc biệt với hai họ Nguyễn và Đặng, trong làng về vấn đề học vấn; sĩ tử họ Đặng-Vũ dần dần chiếm ưu thế. Từ 1801 đến 1915, số nho sĩ đậu tú tài trở lên thuộc họ Nguyễn là 91 người, thuộc họ Đặng là 72 người, thuộc họ Đặng-Vũ là 43 người. So với đinh số, tỷ lệ đỗ đạt của họ Đặng Vũ cao hơn cả — theo đinh số năm 1933, họ Nguyễn có 830 đinh suất, họ Đặng 475 suất, và họ Đặng-Vũ 133 suất.

Nhờ sự ganh đua học hỏi giữa các họ trong làng, chẳng bao lâu Hành Thiện nổi tiếng là một làng văn học vào bậc nhất Việt Nam, như được chứng tỏ trong câu cổ ngữ: Bắc Cổ Am, Nam Hành Thiện — Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuôc ngoại thành Hải Phòng . Vào đầu thế kỷ XX, Ông Đồ Hành Thiện đã trở thành một nhân vật tượng trưng cho giới nho học trong sách và tiểu thuyết.

Sự tiếp tục học hành của họ Đặng-Vũ sau khi tổ tiên rời Mộ Trạch được các cụ giải thích bởi sự linh ứng không nguôi của tổ Vũ Hồn. Ngay sự họ Đặng đương kém họ Nguyễn về khoa bảng bỗng nhìên phát khoa trội hẳn kể từ cuối thế kỷ XVIII, với bốn tiến sĩ, trong đó có Đặng Xuân Bảng là một học gỉa lớn của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, cũng được các cụ qui cho âm phúc của các bà họ Đặng-Vũ, thường được gả cho người họ Đặng theo gương bà cụ tổ Từ Giảng.

Không tin dị đoan thì có thể bảo rằng họ Đặng đăng khoa nhờ truyền thống giáo dục hướng về sĩ họan. Ngay từ thời ở Mộ Trạch, nếu không làm quan, các cụ họ Vũ thường chọn nghề dạy học và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài; vì thế sĩ tử tranh nhau đến thụ giáo. Tất nhiên con cháu các cụ được hưởng trước tiên sự chỉ bảo của các cụ, nên có nhiều hy vọng đỗ đạt hơn người. Tới Hành Thiện cũng sự kiện trên được tiếp diễn: Tiếng tăm Ông Đồ Hành Thiện lan rộng khắp nơi, nên sĩ tử bốn phương tới Hành Thiện cầu học.

Cụ Đặng (-Vũ) Văn Tường, đời 4, chi 5, là một bậc thầy có tiếng: cả bốn người con trai của cụ đều đậu cử nhân, và trong đám học trò thành danh của cụ có hai người làng, là Nguyễn Ngọc Liên, tiến sĩ năm 1889, và Đặng Đức Cường, con rể cụ, cử nhân, sau làm Tổng Đốc Hải Dương.

Nhưng theo các cụ, bậc sĩ phu có học còn phải có hạnh. Cho nên, dù tin vào phong thủy, các cụ không ngớt răn con cháu về điều kiện cốt yếu của sự phát phúc: Tích đức, Hành Thiện, như tên làng thúc dục. Ngay sự đặt tên con là Thiện Thể và Thiện Vàng của tổ Vũ Pháp Huy đã chứng tỏ sữ chuộng đạo đức của dòng họ Đặng Vũ.

Vì trọng nhân nghĩa và lễ giáo, đặt giá trị tinh thần trên quyền lợi vật chất tới mức cực đoan, quan viên họ Đặng-Vũ thường bị coi là gàn dở: Như cụ Đặng Vũ Khải, đời 5, chi 3, còn lấy roi mây đánh em, là cụ Đặng Vũ Bân, đã hơn 60 tuổi, vì tội để con cháu chơi cờ bạc trong dịp Tết; mà cụ em cũng phải khúm núm nằm xuống lãnh hình phạt. Hay như cụ Đặng-Vũ Chiểu, đời 5, chi 5, thà nghèo kiết còn hơn nhận gia tài của nhà vợ.

Từ khi Tây học du nhập Việt Nam, dân Đặng-Vũ đua nhau học hỏi và cũng gạt được nhiều thành qủa tốt đẹp. Nhưng đồng thời nhiều người mải theo tân trào đã quen hẳn bài học đạo đúc của tổ tiên, không chăm lo việc ích quốc, lợi dân, không biết bảo tồn nền nho phong đã giúp dòng họ mở mặt với thiên hạ. Uớc mong họ xu hướng quay về cội nguồn, và nhớ lại những lời dạy dỗ của ông cha ngõ hầu góp công vào việc kiến thiết đất nước.

(1) Khó bảo rằng xã này có từ thời Lý như thấy ghi trong Hành Thiện Xã Chí, vì tên xã dựa vào tên huyện, mà huyện Giao Thủy chỉ được đặt từ thời thuộc Minh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí.

(2) Xem Đại Nam Nhất Thống Chí., Tỉnh Nam Định, Sàigòn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, 1969, tr. 24

(3) Tuy nhiên cũng có một số người họ Đặng-Vũ, vì không rõ chủ ý của tổ Pháp Huy hay vì không muốn biệt lập với bà con họ Đặng, đã bỏ chữ Vũ trong tên họ.