Học cũng được coi là một… "nghề" - Làng “giàu chữ”
Xuất phát từ quan điểm học là để tu nhân tích đức, học để có chữ tiếp cận gần với Thánh hiền, chứ học không vì mục đích phát triển con đường quan lộc, như Giáo sư (GS) Vũ Khiêu - người con của làng từng nói: “… Cuộc sinh nhai ai cũng mong giàu. Nhưng giàu bạc không bằng giàu chữ”. Do đó, người dân ở đất làng Hành Thiện từ đời này đến đời khác rất coi trọng việc học hành.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học làng Hành Thiện, người có công sưu tầm các tài liệu về khoa bảng từ các đời của làng, cho biết, thời phong kiến, làng có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sỹ (TS), 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Nhưng chỉ có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện… Phần lớn những người đỗ đạt cao không ra làm quan, ở quê dạy học hoặc có ra làm quan một thời gian rồi lại cáo quan về quê làm nghề dạy học và bốc thuốc.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Hành Thiện có 54 người là GS, phó GS; 198 người là TS, thạc sĩ; 1.500 người tốt nghiệp ĐH. Đây còn là nơi xuất thân của 16 cán bộ cao cấp, đảm nhiệm các chức vụ từ Thứ trưởng đến Tổng Bí thư của Đảng; 7 tướng lĩnh quân đội; 3 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đặc biệt, đây còn là quê hương của đồng chí Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, là Tổng Bí thư của Đảng nhiều năm, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Từ bao đời nay, người dân Hành Thiện luôn coi việc học tập là… một "nghề" bên cạnh nghề làm ruộng và dệt vải. Họ không sợ thiếu tiền của mà chỉ sợ thiếu chữ. Người dân Hành Thiện vẫn nhớ về thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) như một điển hình cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng. Thời đó, cụ Bảng nhà nghèo, không có tiền theo học thầy mà chỉ học cha là ông Đặng Viết Hòe và đỗ TS năm 29 tuổi. Biết chuyện, Vua Tự Đức cảm phục đã ban cho bố con ông 4 chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ).

Nối tiếp truyền thống khoa bảng của làng, ngày nay các em học sinh coi việc học là trên hết, tự giác học tập với kết quả rất đáng tự hào: Năm 2009, có 74/76 em đỗ ĐH, đạt tỷ lệ 97,3%; năm 2010, 55/56 em đỗ ĐH, đạt tỷ lệ 98%.

Chính nhờ “giàu chữ” mà người dân nơi đây, dù vẫn sống nhờ vào nghề nông nhưng rất sung túc, nền nếp. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Tiến, có 3 con đều đỗ ĐH với số điểm cao. Anh Tiến cho biết, cách đây 3 năm, nhà anh thuộc diện nghèo nhất làng, tất cả của cải trong nhà đều tập trung nuôi 3 con ăn học ĐH. Hiện nay, các cháu đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định, gửi tiền về cho bố mẹ trả hết nợ và sửa sang lại nhà. Cháu đầu của anh chị sau khi tốt nghiệp ĐH đã vào công tác tại ngành Dầu khí Quảng Ninh. Cháu thứ hai đã tốt nghiệp thạc sĩ, hiện đang giảng dạy tại ĐH Thái Nguyên. Còn, cháu út đang học thạc sĩ, hiện dạy học tại Trường THPT Xuân Trường. Theo anh Tiến, nhờ “giàu chữ” mà giờ đây gia đình anh “giàu của”. Đó là kết quả có hậu của sự quan tâm việc học hành, tiếp nối truyền thống cha anh.

Quê hương những người đẹp
Hành Thiện không chỉ nổi tiếng là đất học mà còn là nơi sản sinh ra những người đẹp thông minh, tài giỏi. Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa có mẹ là người dòng họ Đặng, gốc làng Hành Thiện. Ông ngoại cô là GS Y khoa Đặng Vũ Hỷ, cậu ruột là Viện sĩ - GS.TSKH Đặng Vũ Minh, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội, người từng nổi tiếng khắp vùng về tinh thần hiếu học và đỗ đạt cao.
Còn, Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy có bố là GS.TS Nguyễn Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, cũng thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Hành Thiện. Hiện tại, ông bà nội của Thu Thủy vẫn đang sinh sống ở quê.

Ông Nguyễn Đăng Hùng cho chúng tôi hay, sử sách của làng ghi lại: Từ bao đời nay con gái trong làng được cho ăn học tử tế và phải được gả cho hàn sĩ, nho sinh. Con gái họ Đặng xưa kia vốn nổi tiếng đẹp người, chăm làm, tần tảo nuôi chồng ăn học, dạy con cái bằng lời hay ý đẹp. Chính vì vậy, thời Vua Tự Đức đã đề tặng cho con gái họ Đặng làng Hành Thiện bốn chữ cao quý: “Tiết hạnh khả phong”.

Họ Đặng ở Hành Thiện có 4 dòng Đặng Đức, Đặng Khắc, Đặng Xuân, Đặng Ngọc. Hiện tại, gia phả dòng họ Đặng Xuân có chép đến đời thứ 11, còn gia phả họ Đặng đại tôn thì ghi đến đời thứ 18. Còn nói về con gái đẹp trong dòng họ Đặng Xuân thì hầu như thế hệ nào cũng có.