Ngôi làng có dáng hình cá chép

Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là ngôi làng cổ nổi tiếng có truyền thống văn hóa, hiếu học, là quê hương của nhiều nhân tài kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam.

Làng Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, tiếp giáp với huyện Vũ Thư (Thái Bình) và huyện Trực Ninh (Nam Định).

Theo “Hành Thiện xã chí”, làng Hành Thiện được thành lập vào khoảng năm 1500, vốn có tên gọi là Hành Cung Trang. Năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên cho làng thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng "Mỹ tục khả phong” với hàm ý khen ngợi.

Làng Hành Thiện được bao quanh bởi hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (cách gọi nhằm phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng).

Điều đặc biệt về hai nhánh của con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng Hành Thiện. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách làng Hành Thiện với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng “lý ngư”.

Trên bản đồ, làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.

Bản đồ Hành Thiện do ông Đặng Văn Lâm vẽ. Nguồn: Fanpage Hành Thiện Village

Làng được chia thành 14 xóm, tương đương với 14 khúc trên mình con cá chép, mỗi xóm cách nhau đúng 60m.

Những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.

Ở chính giữa đầu cá có chữ Miếu, chính là miếu thờ thần dựng làng, xuống dưới một chút là chữ Thị – khu chợ, nơi tụ họp đông đúc, thể hiện nét văn hóa phồn thực của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Vị trí và đặc điểm địa lý đã tạo nên nét độc đáo của ngôi làng cổ này. Bản đồ của làng được lập rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của các bậc tiền nhân.

206 vị Giáo sư, Tiến sĩ được khắc tên lên bia đá

Thầy Nguyễn Đăng Hùng - Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện.

Thầy Nguyễn Đăng Hùng (81 tuổi, Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện, nguyên giáo viên trường THPT Xuân Trường) chia sẻ, người xưa có câu: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, ngụ ý phía Đông có làng Cổ Am (nay thuộc Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện có nhiều người học hành đỗ đạt cao.

Những câu nói như ''Bắc Hà - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi", “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” cũng nhằm ca ngợi tài học của cư dân làng Hành Thiện.

Truyền thống học hành của mảnh đất này đã ăn sâu vào máu của những người con nơi đây từ xưa tới nay. Câu nói lưu truyền trong làng Hành Thiện “Trai học hành, gái canh cửi” ngụ ý nói rằng cái đáng trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Sóng Hồng (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh) từng có một câu thơ nổi tiếng diễn tả về truyền thống này của làng Hành Thiện: "...Trăng xuống làm gương em chải tóc/ Làm đèn anh học suốt đêm dài...".

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng có những người con hiếu học, những nhân tài kiệt xuất vang danh, đóng góp cho đất nước.

Thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân (xưa gọi là hương cống), 315 tú tài. So với các làng xã trong cả nước thời bấy giờ, làng Hành Thiện đứng thứ nhất về số vị đỗ hương cống và đứng thứ nhì về số vị đỗ đại khoa (sau làng Đông Ngạc, Hà Nội).

Điều đặc biệt về thành tích đỗ đạt làng Hành Thiện thời Nho học là trong 42 khoa thi ở thành Nam (Nam Định hiện tại), đều có người Hành Thiện đỗ hương cống.

Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501, đỗ Cử nhân năm 1522.

Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh) sinh năm 1828, đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856.

Làng Hành Thiện có 4 người làm Thượng thư; 4 người làm Tuần phủ; 4 người làm Tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan Tri phủ, Tri huyện; còn lại số người đỗ đạt trên đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi.

Làng Hành Thiện có truyền thống hiếu học nhiều đời nay. Ảnh: Fanpage Hành Thiện Village

Theo thầy Hùng, giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân. Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn này phải nhắc tới ông Nguyễn Thế Truyền (1898 – 1969). Ông đỗ bằng cao học Khoa học năm 24 tuổi tại Pháp và phải bỏ dở ngày trình bày luận án tiến sĩ để tham gia hoạt động cứu nước trong nhóm Ngũ Long (gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh).

Rồi đến ông Nguyễn Thế Rục (1902 - 1938). Năm 1923, ông học đại học Thương mại Montpellier (Pháp). Sau khi giác ngộ chủ nghĩa Mac – Lênin, ông Nguyễn Thế Rục tham gia tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội, công tác xuất bản báo Le Travail (Lao Động), góp phần đưa phong trào vận động dân chủ của Đảng Cộng sản lên cao.

Ông Nguyễn Thế Rục là một trong những người Việt Nam đầu tiên được cử đi học trường Đại học Phương Đông, trường Đào tạo giáo sư Đỏ của Liên Xô và sau đó có vinh dự được cùng với cố Tổng Bí thư Trần Phú dự thảo "Luận cương Cách mạng Việt Nam" năm 1930.

Một người con xuất sắc khác của làng Hành Thiện là ông Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Ông Đặng Xuân Khu, người tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông Dương, đã trở thành một trong những niềm tự hào lớn nhất của làng Hành Thiện.

Cũng trong giai đoạn lịch sử này, trường Sơ học Hành Thiện được thành lập và xây dựng từ tiền công quỹ của làng, dạy học trò đến lớp nhất tiểu học (lớp vỡ lòng).

Kể từ đó cho đến nay, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành giỏi giang thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, tại làng Hành Thiện đã có 206 người được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ (trong đó giáo sư và phó giáo sư là hơn 80 người).

Làng Hành Thiện tự hào có 11 tướng quân đội; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang và 2 vị từng giữ chức vụ Bộ trưởng là ông Đặng Hồi Xuân (nguyên Bộ trưởng bộ Y tế) và ông Đặng Vũ Chư (nguyên Bộ trưởng bộ Công Thương).

Làng cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS. Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu; GS Y khoa Đặng Vũ Hỷ; GS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ.

Làng có hai người được Giải thưởng Hồ Chí Minh là ông Đặng Vũ Hỷ (thân phụ ông Đặng Vũ Minh) và ông Đặng Vũ Khiêu. Nhà văn Đặng Vũ Khiêu (Vũ Khiêu) còn là Anh hùng Lao động.

Ngoài ra còn có giáo sư, tiến sĩ y khoa Đặng Vũ Thiên Thanh sinh năm 1981, từng là trưởng phòng thí nghiệm chuyên khoa não đại học Harvard (Mỹ). Hiện là giáo sư y khoa người Việt trẻ tuổi nhất tại Montréal (Canada).

Trong năm 2020, làng Hành Thiện có thêm 4 vị tân tiến sĩ, đồng thời có hơn 30 em đỗ đại học (chiếm 90% học sinh đăng ký dự thi). Những năm trước, tỷ lệ học sinh đỗ đại học của làng Hành Thiện lên tới 95-97%.

 
 
 

Làng Hành Thiện duy trì nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài, hoạt động tích cực trong nhiều năm qua. Ảnh: Quỹ khuyến học làng Hành Thiện

Thầy Hùng tự hào chia sẻ, từ thời Nho học, làng Hành Thiện đã duy trì truyền thống khắc tên những người đỗ đạt cao lên bia đá trong làng. Con cháu làng Hành Thiện coi việc học như một cái nghề nhưng không phải để làm quan mà học để tiếp cận gần hơn với thánh hiền, biết cách đối nhân xử thế, học để làm việc thiện và học suốt đời.

Trọng chữ, trọng người tài, làng Hành Thiện duy trì nhiều quỹ khuyến học, đồng hành với nhiều thế hệ từ khi học trò bắt đầu đến trường cho đến khi kết thúc sự nghiệp học hành. Các quỹ này đều do những người con làng Hành Thiện đỗ đạt, thành công tự xây dựng và đóng góp nhằm phát huy tinh thần hiếu học của lớp trẻ. Thậm chí có quỹ lên tới gần 2 tỷ đồng.

Năm 2020, hội khuyến học làng Hành Thiện là chi hội khuyến học duy nhất trong tỉnh Nam Định được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Có thể nói, truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện như một dòng chảy liên tục, không bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước, cũng là niềm tự hào của “thành Nam”.